Nắng sẽ vàng trên đỉnh Cao Sơn

20-05-2021 11:28

Loading

Loading

Sau những ngày mưa phùn dày sương, cuối cùng cũng có ngày hửng lên chút ấm của giao mùa. Tôi trở lại khai trường Công ty CP than Cao Sơn.

Dễ có tới hơn 8 năm tôi mới trở lại đây. Vẫn tiếng máy, tiếng xe tải hạng nặng cồn cào xoáy vào lòng đất. Ngồi trên chiếc xe PAJERO do Phạm Văn Tân điều khiển, chị Đào Ngọc Bích –  Trưởng ban Nữ công Công đoàn Công ty điện cho anh Trần Văn Lãng – Quản đốc công trường Khai Thác II để báo trước là chúng tôi sẽ có mặt ở đơn vị sau 30 phút nữa. Nhưng Lãng cho biết, anh đang ở khai trường. Vậy là thay đổi kế hoạch, chúng tôi chuyển hướng xe ra khai trường với Lãng.

Cao Sơn đã vào ca. Khai trường nhộn nhịp tiếng động cơ gầm rú, một đặc thù rất riêng của một vùng công nghiệp nặng. Biết Lãng bận, tôi chỉ tranh thủ trao đổi chớp nhoáng về công tác điều hành sản xuất. Lãng cho biết, Cao Sơn khai trường rộng, được chia làm hai công trường khai thác chính. Công trường Khai thác II do anh quản lý là công trường trọng điểm, chủ yếu làm nhiệm vụ bóc xúc đất đá, chịu trách nhiệm từ độ sâu -75m đến +210m, để chuẩn bị than sản xuất, đáp ứng yêu cầu than tiêu thụ. Công trường được Công ty giao quản lý 20 máy xúc điện, dung tích gầu từ 4,6m3-:- 10m3, hầu hết các thiết bị xúc được đầu tư từ những năm đầu thành lập mỏ (tháng 6/1974) đến nay, có máy đã tham gia sản xuất trên 40 năm. Song năm 2015, Công trường bóc xúc tới xấp xỉ 15,5 triệu m3 đất đá. Để hoàn thành sản lượng này, không những mỗi công nhân viên trong đơn vị phải có một ý thức trách nhiệm rất cao; là người quản lý, trách nhiệm lại càng nặng nề! Lãng cùng với anh em cán bộ công trường thường xuyên bám sát khai trường từ rất sớm và nhiều khi phải ở lại đến tối thui để điều hành những hộ chiếu đất bóc xúc cần thiết.

Cũng gần giống như Lãng, chúng tôi gặp Bùi Ngọc Bình – Quản đốc Phân xưởng Vận tải 5 cũng đang tất bật trên khai trường. Bình sinh năm 1971, quê gốc Hà Tĩnh nhưng lại lớn lên cùng gia đình ở Uông Bí. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa- Khoa Chế tạo máy song lại vào đời bằng nghề lái xe mỏ Cao Sơn. Bình tâm sự rất thật, lần đầu tiên Bình mất ngủ là năm 2012, khi anh nhận được quyết định đề bạt làm Quản đốc. Anh mất ngủ không phải vì sung sướng mà là vì lo. Lo cho cái nhiệm vụ của ngày mai đang đến, lo cái lo của mọi người thế nào? Mà cái lo trước tiên là đứng trước mọi người và tổ chức sản xuất ra sao?

Chuyến đi đầu năm lên khai trường Cao Sơn khá thú vị, hiềm nỗi thời tiết xấu. Thoáng hửng trời, rồi lại mịt mù sương giăng. Cái lạnh phả ra từ hốc đá. Đứng trên moong dễ cảm nhận được những nhọc nhằn, cái lạnh giá, cái hanh hao của nắng, mưa hà khắc thế nào với người thợ mỏ Cao Sơn.

Cao Sơn như giải mây trắng vắt ngang trời vùng Than Đông Bắc Tổ quốc, tầng mỏ trùng trùng, điệp điệp lẫn trong sương, tiếng máy khoan, máy xúc, tiếng động cơ ô tô lẫn tiếng than reo tạo thành một âm thanh cuộc sống vô cùng sinh động. Có đi mới thấy hết sức người! Năm 2015, Cao Sơn đã thực hiện sản xuất trong điều kiện hết sức khó khăn: các chỉ tiêu SXKD được Tập đoàn giao ở mức cao trong điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu hơn, độ rắn đất đá, chiều cao nâng tải lớn hơn. Trong khi số thiết bị khai thác mỏ cũng như thiết bị vận tải than, đất do sử dụng nhiều năm, đã xuống cấp, hoạt động không ổn định… Ở trên cao thật đấy nhưng năm qua, Cao Sơn cũng không nằm ngoài sức tàn phá của trận mưa lũ lịch sử kéo dài hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8. Các tuyến đường chính, nhất là đường vào các nền máy, hệ thống mương thoát nước bị hư hại nặng nề. Lãnh đạo Cao Sơn đã rất linh hoạt không những chỉ thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, chỉ đạo giải quyết tốt các sự cố trong Công ty, mà còn huy động lực lượng và thiết bị ô tô, máy gạt, máy xúc phối hợp với địa phương và các đơn vị bạn trong Vùng để ứng cứu và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhanh chóng ổn định sản xuất trở lại. Nhờ vậy, hết năm, Công ty đều hoàn thành vượt mức kế hoạch điều hành của Tập đoàn giao. Cũng trong năm qua, Cao Sơn còn thực hiện tốt kế hoạch thi công nền của tuyến băng tải, bàn giao kịp thời cho nhà thầu để xây dựng tuyến băng vận chuyển đất đá ra bãi thải bằng băng tải, nhằm rút ngắn cung độ vận chuyển đất bằng ô tô.

Bước vào thực hiện SXKD năm 2016 với kế hoạch Tập đoàn TKV giao gồm đất bóc xúc và vận chuyển: 33.250.000m3; sản xuất 3,9 triệu tấn than các loại; than tiêu thụ 3.801.000 tấn; doanh thu trên 4.878 tỷ đồng; lương bình quân 7.279.000 đồng/ người/tháng. Theo anh Đặng Đình Sông – Chủ tịch Công đoàn Công ty, đây là sản lượng khá lớn so với năng lực thiết bị hiện tại của Cao Sơn. Tính ra bình quân mỗi ngày, Công ty phải thực hiện bốc xúc và vận chuyển trên 90.000m3 đất đá, sản xuất và tiêu thụ trên 11.000 tấn than/ngày.

Mặc dù những năm qua, Cao Sơn vừa tổ chức sản xuất vừa cải tạo kỹ thuật khai thác. Hiện tại đã có những cải thiện rất rõ như chiều cao tầng, chiều rộng mặt tầng và liên thông các tuyến đường giữa những khu vực khai thác cũng như xây dựng hệ thống thoát nước quy mô trên khai trường v.v. Nhưng thực tế chưa thể nói là đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật công nghệ khai thác và tăng năng suất thiết bị và những khó khăn về độ sâu đáy mỏ, hệ số bóc đất/tấn than tăng, cung độ vận chuyển xa, chi phí sản xuất tăng… Cùng với đó là bài toán tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, tăng sự cạnh tranh của sản phẩm than… Một khó khăn nữa là theo kế hoạch năm 2016, Công ty được giao bốc xúc, vận chuyển 33.250.000m3, trong đó có 20 triệu m3 đất đá được vận chuyển qua hệ thống băng tải ra bãi thải có độ dài trên 4 km. Hệ thống này, theo kế hoạch phải bước vào hoạt động ngay từ đầu năm 2016, nhưng đến nay, đã trung tuần tháng 3, nhà thầu vẫn đang cho chạy thử để hiệu chỉnh, nên cũng gây những ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện kế hoạch SXKD của Công ty, đặc biệt là kế hoạch chuẩn bị than sản xuất và than tiêu thụ theo kế hoạch giao của Tập đoàn.

Tôi có thể hiểu được phần nào tâm trạng và nỗi lo toan của những người đứng đầu trong phong trào công nhân và lao động này. Trong khai thác lộ thiên nếu chỉ tiêu bốc xúc đất đá không đạt được thông số kỹ thuật (hệ số bóc đất/tấn than), lập tức công tác khai than sẽ gặp rất nhiều khó khăn hoặc không thể thực hiện. Nhưng với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ Cao Sơn, truyền thống của một đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, sự nỗ lực và quyết tâm, đoàn kết của tập thể cán bộ CNVC-LĐ cùng với sự điều hành linh hoạt, quyết liệt phù hợp với từng thời điểm thích hợp, tin rằng Cao Sơn sẽ vượt qua để hoàn thành kế hoạch được giao năm 2016.

Để khẳng định điều này, ngay từ tháng đầu, quý đầu Cao Sơn đã xây dựng một kế hoạch hợp lý, tranh thủ từng thời khắc để tổ chức sản xuất. Mồng 2 tết Bính Thân, Công ty tổ chức khai xuân, mồng 4 đồng loạt ra quân sản xuất và đã đạt kết quả cao ngay ngày đầu với sản lượng thực hiện: trên 70 ngàn mét khối đất đá; 2.900 mét khoan sâu; than sản xuất 7.500 tấn than các loại; tiêu thụ trên 3.000 tấn than đã góp phần nâng cao sản lượng tháng 2/2016. Hiện tại, Than Cao Sơn đang thực hiện kế hoạch tháng 3/2016 với các chỉ tiêu chính là: bóc 3.800.000m3 đất đá;  sản xuất 340.000 tấn than; than tiêu thụ 360.000 tấn; doanh thu 449.881 triệu đồng.

Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với mục tiêu: “An toàn – Đổi mới – Hiệu quả – Phát triển”, sự tập trung cao độ trong chỉ đạo điều hành sản xuất,  sự tăng cường trong công tác quản trị kinh doanh, tiết kiệm chi phí, nhất là phát huy truyền thống và khả năng lao động sáng tạo của CNVC-LĐ, tin rằng Cao Sơn không những hoàn thành KH năm, mà còn cải thiện tốt hơn về điều kiện làm việc, về đời sống CNVC-LĐ! Và có thể tin lắm chứ “Nắng sẽ vàng trên đỉnh Cao Sơn”.

 

Loading

Trả lời